Xóa bỏ bao cấp không lâu thì cậu ra Hà Nội, bấy giờ cứ mỗi dạo thu hoạch mùa màng xong ngoại thành lửa rơm đốt cháy cả trời chiều mà bọn trẻ con thích chơi bùi nhùi chứ chưa mê mẩn trò gêm như bây giờ. Đường sá bụi mờ mà không thể che lấp nổi mầu bưởi Diễn chín vàng rực lấp ló sau tán lá dày. Từ Nhổn đi về qua những cánh đồng rau muống ế ẩm hoa nở tím, gặp phải mấy chiếc xe ngựa chạy long nhong chở đầy những gạch, không sợ tắc đường chỉ sợ ngựa nó gặp người lạ cuồng chân lao xuống ruộng rau, cho tới lúc về chỗ đền thờ Hai Bà ở dưới dốc Thọ Lão người còn dính đầy rơm rạ và mắt còn cay xè khói rơm. Dừng chân, ghé vào quán nước dưới gốc đa, bà cụ bán nước vốn là cô
Lạ thật, bán hàng thời đại thị trường rồi, khách hàng là thượng đế mà mỗi khách cụ chỉ bán có một cốc chè. Cụ lại bảo: “Người ta giờ ai còn làm cốm mấy đâu? Bánh cốm ăn hỏi, thiên hạ cầm về chả ăn. Nhà cháu phải năn nỉ mãi mới có ít cốm làm chè bác thấy ngon không?”. Hỏi lại: “Cốm này so với thời Pháp thứ nào ngon hơn?”. Bà cụ lắc đầu: “Tôi chẳng còn răng cỏ gì, khổ cái ăn gì cũng thấy ngon. Ngẫm cho cùng cốm độc lập, cốm tự do thì phải ngon hơn chứ bác”.
Có hai cô ở trên phố Hàng Bông, Hàng Cót xuống tận ngõ xa mà ăn chè cốm, một cô tóc hẵng dài, cô kia mới cắt ngắn cũn, phán: “Cả thế giới, chỉ Hà Nội có món này”, cậu nghe biết thế chứ không rõ thực hư thế nào. Người Hà Nội chúa ghét những ai tự khen về mình, là người nơi khác khen về Hà Nội thôi.
Sau mỗi mùa cốm, lại nhớ mái tóc xanh và cái giọng Hà Nội nghe lảnh lót như chim hót trong vườn đào. Đời người con gái chẳng mơ ước thành ông nọ bà kia, chỉ mong đến mùa ăn cốm mới. Bu bảo sao chúng mày không lấy chồng đi hử? Chúng bảo: “Chồng còn khối ra chứ đồng ruộng hết rồi, cốm không biết có qua nổi mùa này không hả bu?”.
Bu bật cười bảo: “Gớm, hồi bu đi lên Việt Bắc kháng chiến, chỉ thèm mỗi cốm Vòng”. Năm 1954, đúng vào mùa thu, quân ta tiến về Hà Nội cả năm cửa ô rực rỡ cờ hoa mà bu lại cứ nhớ ngay cái lúc vào làng Vòng mua cốm. Làng Vòng thuở ấy còn rất nhiều những rặng tre già, nhà cửa chụm lại với nhau, hễ tới mùa thu thì nghe tiếng giã cốm thậm thình cũng là lúc chuẩn bị cho mùa cưới hỏi.
Lúc lấy chồng, lòng vui mà cũng rơm rớm tí nước mắt, chia tay thời con gái với những món cốm ăn chơi. Hà Nội ta nó thế, món ăn no thì ít mà món ăn chơi thì nhiều. Có người bảo ăn cốm mẹ trẻ có nhiều sữa. Người ta bảo Hà Nội ta cái gì cũng nghệ thuật, chỉ riêng giã cốm thôi cũng đã dăm lần bảy lượt, ra một mẻ cốm người phương xa ăn xong không biết làm từ hạt gì?
Quý thì gọi cốm là ngọc. Nó thơm và ánh lên mầu xanh, gói kín trong lá sen Hồ Tây, càng để lâu càng ngon. Người phương xa hỏi: “Cách ăn cốm như thế nào?”. Đáp: “Cứ bỏ vào miệng nhai nhai”. Lại dặn: “Có điều không được nhai giống nhai kẹo, không giống nhai cơm, chẳng nuốt giống ăn bánh”. Khó nhỉ!
Hóa ra vừa nhai cốm mà vừa nói chuyện được. Trên đời này chỉ một thứ vừa nhai vừa nói chuyện mà không sợ mất lịch sự. Tủm tỉm hỏi nhau: “Mùa cốm sang năm mợ đi lấy chồng đấy hả?”. Thời gian ở ta tính theo mùa. Lúc lạnh lùng, đem ra chiên một nhúm cốm đã phồng kín cái chảo. Lúc bu mệt, bu thèm ăn món gì mà có cốm hầm hạt sen.
Lại giã cốm rồi. Cậu ở trong làng Vòng, nửa đêm nghe tiếng thình thịch đến sáng. Cốm càng giã nhiều cả làng tỏa ra mùi thơm ngai ngái của thứ lúa đang non. Lúc trăng sáng, còn tinh mơ đi vòng trong ngõ ngách, nghe tiếng trò chuyện rì rầm, sau lùm tre có tiếng ai hát bài “xe chỉ luồn kim” ấy là lúc rang cốm. Con gái làng cốm ít nói ham làm. Một tạ thóc tươi mà lúc làm ra chỉ được vài chục cân cốm thôi. Đời này chỉ bông và cốm là nhẹ nhất, nhưng bông sinh ra đã nhẹ rồi còn cốm qua tay người mà nặng hóa thành nhẹ. Con gái làng Vòng gánh cốm đi bán, một gánh đầy mà nhẹ vô cùng.
Hỏi: “Sao quen nhau mãi chẳng nói gì, chỉ tủm tỉm cười”. Đáp: “Vâng, em giã cốm nhiều, lãng tai, chẳng nghe anh nói gì”. Rồi bảo: “Em chẳng biết ăn nói, gửi anh mảnh giấy, đem về mở ra mà đọc”. Mảnh giấy mầu nâu nâu cũ cũ, chắc cắt ra từ cuốn sổ của bu, viết thế này: “Anh muốn nói gì, cứ gặp mẹ tôi mà nói. Tôi phải đi rang cốm”.
Nước ta có nhiều nơi làm cốm ngon lắm, mà cậu vẫn thích những sáng sớm mai se sẽ lạnh, ăn cốm Vòng người thấy ấm chân tay. Ngồi ngay hồ Tây, nhìn ra thấy sương bàng bạc, xa xa kia là đồng ruộng, ai đó dậy sớm giã cốm giúp mẹ. Ngồi ăn cốm uống trà, nói chuyện, đêm qua lúc nào không hay.
Ôi, chắc bố mẹ chờ suốt đêm lo lắng con gái lớn không biết chuyện gì, ngày đó làng chưa có điện thoại di động. Đứa em theo chị gối đầu ngủ ngon trên chiếc piano, người lớn ham miếng cốm miếng chuyện mà bỏ rơi nó tự lúc nào. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời cậu ngồi uống trà qua đêm ở hồ Tây. Chẳng phải tiếng cối thậm thình từ lúc nửa đêm khiến cậu khó ngủ, mà chính mùi hương sớm của sen Hồ Tây và những câu hát thầm thì về một Hà Nội đạn bom và hòa bình đã giữ cậu trong câu chuyện nửa hư nửa thực.
***
Rồi cậu đi đến một nơi rất xa, ở đó không có mùa thu, không có cốm đâu, chỉ có nỗi nhớ phảng phất mầu xanh ngọc, ký ức được cậu mang về gói lại như lá sen đã khô buộc một túm mà bỏ vào ngăn đá cứng đanh.
Ai hỏi: “Cái gì? Sao lá sen mà bỏ trong ngăn đá lại ngon? Sợ nóng hỏng ăn à?”. Ừm. Cốm đấy. Cốm mới đấy. “Nhưng mà cốm là gì?”. Cốm tươi chỉ để được vài ngày, muốn ăn dần phải cấp đông. Mọi người lên internet tra xem cốm là gì? Cách sử dụng và công dụng của cốm? Thấy nói cốm giúp người già phòng bệnh cao huyết áp mà giúp cho trẻ tăng chiều cao. Lại bảo nhau: “Hóa ra Việt Nam cũng có thực phẩm chức năng từ thời xa xưa nhỉ. Các cụ nhà ta thông minh thật”.
Cậu đi từ Nhổn về, lần này cậu đi một mình thôi. “Ruộng rau muống nào hả bác?” – Người tài xế xe
tắc-xi gật gù – “À! Giờ không còn mét vuông rau muống nào bác ạ. Chỗ ấy giờ mỗi mét cả trăm triệu đồng ấy chứ, ai lại đi trồng rau muống bao giờ. Chung cư, nhà cho thuê, cao ốc văn phòng… vâng, kín hết từ lâu rồi ạ”.
Cậu xuống tắc-xi, đi loanh quanh gặp toàn những người bán hàng trẻ trung ăn diện nhưng ở quê mới lên xin việc trên này. “Chúng cháu không biết người nào ở đây” – các cô nói vậy.
Cuối cùng, một cụ bán đồ lưu niệm đã cho vị khách phương xa số điện thoại của người bạn già mà khách tìm. Đầu dây kia, nghe tiếng bu vẫn dõng dạc lắm, bu bảo: “Bu đã quyết định chia tay mặt đất mà lên ở nhà cao tầng cả chục năm nay rồi. Con gái của bu bán hết cối chày theo nghề bất động sản. Cối chày còn đó mà đồng ruộng không còn, lấy đâu lúa non làm cốm?”.
Nhắc lại chuyện ngày xưa cậu đi thuê nhà trong làng cốm trú ngụ viết lách, lại xui xẻo thế nào ở ngay sát tường nhà bu, cùng chung một bụi tre già, suốt mùa cốm vì tiếng chày miệt mài và hương cốm rang tỏa đậm quá không ai ngủ được. Cũng bởi thức nghe chày giã, viết được mấy cuốn sách. Bu bảo: “Hừm, anh có biết không? Giờ bu nhắm mắt vẫn còn nghe tiếng giã cốm. Giật mình mới biết giấc mộng vừa rồi”.
Không hỏi gì, nhưng bu bảo: “Tôi vẫn hỏi mợ ấy xem tin tức anh ra sao, mợ ấy nói chẳng biết gì. Mợ ấy có tìm anh đấy. Từ khi anh dọn nhà đi khỏi làng cốm, biệt chẳng tin tức gì nhỉ”. Đó là vì cậu nghe tin “mợ ấy” đã quen một anh bác sĩ. Bu già ậm ừ: “Ừm, nó thì vẫn nhiều người thích mà”.
Vào một ngày xuân, gần Tết, khi mọi việc đã xong xuôi, chuẩn bị đón năm mới, cậu bỗng nhận được một món quà “ship” từ phương xa. Người gửi rất cẩn thận, ghi chú bằng chữ viết tay, nét chữ gầy gầy, phải tô đậm nhìn cho rõ: “Bảo quản tránh chỗ nắng nóng, sử dụng trong 48 giờ”. Cậu thấy lấp ló mớ lá sen.
Người chuyển hàng cười: “Chủ hàng yêu cầu không tiết lộ danh tính người gửi ạ”. Anh ta lại nói: “Hẳn bác phải biết ai là người đã gửi cho bác?”.
Cậu đã nghe hương cốm mới rồi, bèn gật đầu: “Dĩ nhiên tôi biết chứ”. Người chuyển món quà cảm ơn: “Vâng, cháu sẽ báo lại cho chủ hàng rằng người nhận đã biết người gửi cốm là ai rồi”.
***
Người đàn ông tóc hoa râm sống ở trong Sài Gòn đã khá lâu, mầu da rám nắng, ngồi bên ly cà-phê đen đá và hai gói cốm. Ông ngồi đọc lá thư, nhìn nét chữ nghiêng nghiêng từng dòng như rạn vỡ bởi lá thư ấy được dùng để gói bên ngoài lớp lá sen bọc cốm. Thư nhàu nhĩ, phải đánh vần. Gớm, không cẩn thận chắc đã vứt mất lá thư.
“Cậu ạ!
Vừa rồi bu có nói cậu đi tìm chúng tôi (không rõ cậu tìm bu tôi hay tìm tôi, nhưng tìm ai tôi cũng cám ơn). Món quà cà phê đồng bào trong ấy trồng, không qua chế biến công nghiệp gì, pha uống rất ngon, xin cám ơn cậu nhiều! Nhân thể mùa cốm, tôi gửi cậu một ít để dùng.
Thưa cậu! Nếu tôi nhớ không nhầm, cậu đã rời xa làng gốm chúng tôi gần hai mươi năm. Quãng thời gian ấy đã đủ làm cho mọi thứ thay đổi. Thầy bu tôi đã già, tôi cũng chẳng còn trẻ nữa. Xóm làng biến thành phố xá và chúng tôi đã bán cái dinh cơ cùng chỗ bụi tre ấy mà lên ở khu định cư lâu rồi. Việc cậu không tìm thấy chúng tôi cũng chẳng có gì lạ. Cũng như việc cậu vào Nam mà không để lại một dòng địa chỉ thì bu tôi cũng tài đến mấy vẫn không tìm thấy cậu để hàn huyên chuyện nọ xọ chuyện kia như cái ngày xưa ấy.
Thưa cậu! Lũ bạn tôi, nay cũng đã lên chức ông bà đến nơi, vẫn thường hỏi tôi giữ liên lạc với cậu đều đấy phỏng? Tôi cứ ậm ừ, nhưng quả thực chúng hỏi nhiều khiến tôi cũng bực mình. Bạn bè đều thành đạt, ông nọ bà kia. Chẳng giấu gì cậu, tôi thất bại trong nghề buôn đất nên vẫn làm nghề bán cốm thôi. Chỗ tôi không bán hàng qua mạng, lại vẫn quê chân chỉ hạt bột nên chẳng có thương hiệu hay doanh nghiệp doanh nhân gì, cậu chẳng biết đâu. Chồng tôi đức mỏng nên mất đã lâu, cũng nhờ cốm nuôi mà mẹ con tôi tuy vất vả nhưng vẫn nên người cậu ạ.
Mỗi lần chiều tối, thấy mẹ ngồi nơi bậu cửa, mắt nhìn xa xăm, tay cầm đám cốm đang gói dở, con hỏi mẹ: Mẹ nghĩ gì? Mẹ mong chờ gì? Mẹ sợ không ai mua cốm hay sao?
Thưa cậu! Nghe bu nói cậu tìm về làng mua cốm, lòng tôi như có dòng suối chảy ở trong. Tôi bảo với các con mình: “Đấy, mẹ bảo là người miền nam họ cũng thích ăn cốm, cứ không tin”.
Cậu ạ! Mấy đứa nhỏ lại gạn hỏi: “Thế bác ấy là ai? Sao tìm nhà mình mua cốm mà không mua ngoài siêu thị cho tiện?”. Cậu ơi, tôi nói rằng: “Khi các con chưa ra đời, bác ấy vẫn thường ghé làng mình chơi. Làng mình lúc ấy chỉ làm cốm thôi, nhà ai cũng làm cốm, nhưng bác ấy chỉ thích ăn cốm nhà mình”. Tôi nói thế có sai không cậu nhỉ?
Tôi nhớ không lầm thì đây là lần thứ hai tôi viết thư, nhưng cũng chỉ viết cho một người chính là cậu. Lời lẽ vụng về quê kệch, bao nhiêu năm vẫn thế thôi. Mong cậu đọc ít hiểu nhiều, nhờ sự suy nghĩ rộng rãi của cậu mà từ chuyện hôm nay lại nhớ những chuyện hôm xưa. Cuộc đời dù có đổi thay thì người làng cốm vẫn mãi là người làng cốm, thưa cậu.
Chúc cậu vui vẻ và gặp nhiều điều may mắn trong cuộc sống!
Kính thư!
Người làng cốm năm xưa
Tái bút: Cậu cho tôi gửi cho mẹ cậu ít cốm đặc biệt làm bằng nếp xưa để làm quà”.
Người đàn ông đặt một gói cốm lên bàn thờ mẹ mình, thắp hương, định nói câu gì đó rồi lại thôi. Nhìn ra ngoài phố, những tia nắng óng ánh như mật chiếu vào mấy cây sứ cổ thụ đang nở hoa.
Người đàn ông buột miệng nói chuyện như tâm sự với mẹ mình: “Sài Gòn chỉ có hai mùa, mùa nắng và mùa mưa. Hà Nội có năm mùa, mùa xuân, mùa hè, mùa thu, mùa đông và mùa cốm mẹ ạ”.
Mùa cốm nằm chính giữa mùa hè và mùa thu, bắt đầu thứ rằm Tháng Bảy với những trận mưa ngâu gợi nhớ tới câu chuyện Ngưu Lang, Chức Nữ. Khi ấy, làng cốm lại rộn tiếng chày đêm và mùa lúa nom làm cốm thơm mùi sữa của thiên nhiên của đồng ruộng thật là ngây ngất.
Người đàn ông nơi phương xa gập lá thư nhàu nghĩ viết trên thứ giấy nâu nâu, bùi ngùi nhìn những hạt cốm trong bàn tay năm tháng đã chai sạn như nhìn những hạt mưa ngâu xanh biêng biếc.
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU
Một không gian bàng bạc, xa xôi, thổn thức và da diết đến muốn khóc mở ra và cuốn tôi vào. Một vẻ đẹp giản dị nhưng tinh khiết và đầy phong vị của một vùng văn hóa sinh ra chỉ từ một hạt cốm đẹp hơn một viên ngọc quý. Cái hương cốm mong manh tựa hơi thở một trinh nữ dậy lên làm sống lại những vẻ đẹp thuần Việt đã và đang mờ xa trong đời sống đương đại… Hương vị của những hạt cốm được ôm bọc bởi lá sen không còn là hương vị của ẩm thực nữa, nó trở thành hương vị của một đời sống.
Câu chuyện mong manh và huyền ảo như chính hương vị của những hạt cốm bởi tác giả đã chọn lối viết không thể nào phù hợp hơn, đã dùng mỗi chữ kỹ càng như người làm cốm chọn lúa non và giã cốm; bởi tác giả đã chọn những đối thoại giản dị mà vô cùng sống động… Tất cả đều đồng nhất trong một tinh thần đã làm nên một ký ức lộng lẫy.Truyện ngắn của Trần Nguyễn Anh